-
Mong làm chủ nguồn pin xe điện, Trung Quốc đổ xô đến quốc gia Đông Nam Á này khai thác niken – VinFast cũng tích cực đi tìm nguồn
Đối tác nhiệt tình của Trung Quốc
Cách Bắc Kinh khoảng 4828 km về phía Nam, các công ty khai khoáng của Trung Quốc đã thiết lập hoạt động tại trung tâm của khu dự trữ niken lớn nhất thế giới. Trên các đảo Sulawesi và Halmahera của Indonesia, họ đã xây dựng các nhà máy lọc dầu, lò luyện kim, thậm chí cả một bảo tàng niken.
Cùng với nhau, họ đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào các hòn đảo xa xôi chỉ trong năm 2022, nâng tổng số tiền đầu tư lên 14,2 tỷ USD trong 10 năm qua, đủ để đảm bảo nguồn cung niken trong một thập kỷ tới. Kim loại này chủ yếu được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ, đồng thời cũng là một thành phần quan trọng trong xe điện. Nó chiếm 90% cực âm, phần đắt nhất của pin hiệu suất cao và có lo ngại rằng nhu cầu sẽ vượt xa nguồn cung trong tương lai sắp tới.
Các mỏ niken tại Indonesia có công suất khai thác lớn nhất thế giới vào năm 2021.
Theo BloombergNEF, các công ty Trung Quốc đã tích cực làm chủ nguồn cung các linh kiện pin khác nhau và dự kiến sẽ thống trị chuỗi cung ứng trong ít nhất 5 năm. Để phá vỡ sự phụ thuộc vào niken và các khoáng sản quan trọng khác của Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ cần đầu tư gần 90 tỷ USD vào năm 2030.
Michelle Foss, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Viện Baker của Đại học Rice, người đã nghiên cứu về việc nắm giữ niken ngày càng tăng của Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc đã sẵn sàng đầu tư vào những nơi mà các công ty của Hoa Kỳ, Châu Âu, thậm chí là Canada, Úc chưa đặt chân đến.”
Và Indonesia đã trở thành một đối tác nhiệt tình của Trung Quốc. Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken, bắt đầu từ tháng 1/2020, sớm hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu. Động thái này nhằm thúc đẩy ngành luyện kim nội địa theo hướng tăng giá trị sản phẩm bằng cách khuyến khích chế biến luyện kim trong nước.
Kể từ đó, giá trị xuất khẩu niken của Indonesia đã tăng từ 3 tỷ USD lên 30 tỷ USD. “Chúng tôi muốn hưởng lợi từ xuất khẩu giá trị gia tăng để tăng thu nhập cho nhà nước dưới hình thức thuế và cơ hội việc làm mới,” ông Jokowi cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 tại Jakarta. “Chúng tôi không dừng lại ở chế tạo pin. Đây chỉ là một phần trong kế hoạch sản xuất ô tô điện ở Indonesia.”
Lợi ích kinh tế được ưu tiên hàng đầu
Chính phủ Indonesia có một mạng lưới mỏ niken rộng lớn, nhưng cho đến nay chỉ có Trung Quốc sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ vào các cơ sở sản xuất. Australia, Canada, Hàn Quốc và Mỹ cộng lại chỉ đầu tư 1,5 tỷ USD vào Sulawesi và Halmahera trong thập kỷ qua.
Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Indonesia trong cuộc đua tìm mua niken.
Một phần của sự do dự có thể là do hầu hết niken được khai thác ở Indonesia là loại cấp thấp được sử dụng cho thép không gỉ. Các nhà sản xuất pin lithium-ion cần niken loại 1, tinh khiết hơn 99,8%. Cho đến nay, các nhà sản xuất đã có thể khai thác từ các mỏ niken sunfua phong phú hơn, chủ yếu nằm ở Úc và Canada, nhưng khi sản xuất EV tăng lên, cuộc đua phát triển nguồn cung cấp mới diễn ra cạnh tranh hơn.
Để làm được điều đó, các công ty Trung Quốc đang triển khai một công nghệ gọi là lọc axit áp suất cao (HPAL). Công nghệ này tốn kém và có hại cho môi trường. Nhưng đặt cược của họ là giá niken sẽ ở mức cao và giá quặng rẻ, làm cho HPAL khả thi về mặt thương mại. Các nhà đầu tư Trung Quốc lẫn Indonesia đều đặt lợi ích kinh tế tiềm năng cao hơn so với các mối quan tâm về môi trường.
“Trung Quốc có nhiều công nghệ khai thác hiện đại hơn và họ muốn chia sẻ nó với chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi có trữ lượng lớn nikel mà họ cần.” Luhut Panjaitan, Bộ trưởng điều phối đầu tư và các vấn đề hàng hải của Indonesia, cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người ở Indonesia đều vui mừng về sự ràng buộc này. Khi sự hiện diện của Trung Quốc tăng lên, số lượng lao động Trung Quốc nhập cư cũng tăng theo, gây áp lực lên thị trường việc làm vốn đã cạnh tranh. Cả hai quốc gia đã thắt chặt các yêu cầu về giấy phép đối với công nhân Trung Quốc tại Indonesia.
VinFast sang Lào tìm nguồn cung nickel
Cũng trong cuộc đua tìm nguồn nickel sản xuất pin xe điện, VinFast đã hợp tác với một công ty khoáng sản tại Việt Nam sở hữu mỏ nikel lớn top 10 tại Lào.
Ngày 13/12/2022, Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng VinES (thành viên Tập đoàn Vingroup) và Công ty TNHH Cavico Lao Mining (thành viên Cavico Việt Nam) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc cung ứng nguyên liệu Nickel phục vụ cho việc sản xuất pin lithium của VinES.
Cavico Lao Mining là công ty Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực thăm dò và phát triển mỏ khoáng sản, đã được cấp phép đầu tư khai thác và chế biến Nickel, Cobalt tại mỏ đa kim ở Lào với diện tích 80km2 – mỏ Niken lớn thuộc Top 10 tại Lào.
CAVICO chính là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay đã niêm yết và giao dịch tại thị trường chứng khoán Mỹ – sàn Nasdaq – với mã CAVO. Cổ phiếu này bị huỷ niêm yết trên Nasdaq vào năm 2011 do chậm nộp báo cáo của năm tài chính 2010.
Dự án mỏ nói trên của CAVICO dự kiến sẽ khai thác, chế biến 30 tấn vàng và 400.000 tấn Niken quy kim loại từ năm 2022 đến năm 2042 và sẽ tiếp tục trong những năm tới tùy tình hình diễn biến của thị trường.
Bạn cần đăng nhập để tương tác với nội dung này:
Đăng nhập.Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận
Diễn đàn ‘Công nghệ ô tô’ không còn cho phép tạo thảo luận và trả lời.
Bình luận
Bình luận mới nhất