- 1. Chứng nhận Euro NCAP
- 2. Quy trình đánh giá an toàn của Euro NCAP
- 2.1. Tác động trực diện từ phía trước
- 2.2. Tác động từ bên hông xe
- 2.3. Tác động bên hông bởi vật cố định
- 2.4. Tác động đến người đi bộ
- 2.5. Kiểm tra hệ thống bảo vệ trẻ em trên xe
- 2.6. Kiểm tra Whiplash
- 2.7. Kiểm tra hệ thống hỗ trợ tốc độ và cảnh báo thắt dây an toàn
- 2.8. Kiểm tra công nghệ phanh khẩn cấp tự động (AEB)
- 2.9. Tính năng phát hiện người đi đường dễ bị tổn thương
- 2.10. Kiểm tra khả năng kiểm soát ổn định điện tử
- 3. Ý nghĩa của chứng nhận Euro NCAP
Được coi là một trong những thử nghiệm an toàn khắt khe và khó vượt qua nhất trên toàn cầu, Euro NCAP có các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, đặc biệt đối với các loại xe thương mại mới được đưa ra thị trường.
1. Chứng nhận Euro NCAP #
1.1 Chứng nhận Euro NCAP là gì? #
Chương trình đánh giá xe mới của châu Âu (Euro NCAP) – euroncap.com/ là chương trình đánh giá tính năng an toàn của ô tô châu Âu được thành lập năm 1997 bởi Phòng thí nghiệm nghiên cứu giao thông (Bộ giao thông Anh) và có trụ sở tại Bruxelles (Bỉ). Chương trình hiện được hỗ trợ bởi một số chính phủ châu Âu cũng như bởi Liên minh châu Âu (Wikipedia).
Khẩu hiệu của chương trình Euro NCAP là “Vì những chiếc xe an toàn hơn”.
Euro NCAP tạo ra hệ thống đánh giá an toàn giúp người tiêu dùng có thể so sánh các phương tiện dễ dàng hơn và xác định được đâu là chiếc xe an toàn nhất cho nhu cầu của họ. Tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng có của Euro NCAP bao gồm: Hệ thống hỗ trợ an toàn của xe, tính năng bảo vệ người lớn, tính năng bảo vệ trẻ em và bảo vệ người đi đường với hàng loạt các thử nghiệm được thiết kế và thực hiện chuyên biệt.
1.2. Cách xác định điểm và xếp hạng sao của Euro NCAP #
Các xe được đánh giá trong chương trình này được chấm điểm dựa trên mức độ an toàn rồi xếp loại thông qua số sao an toàn. Tiêu chuẩn cao nhất hiện tại là 5 sao và sao càng cao thì độ an toàn càng lớn.
- An toàn 0 sao: Đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản để có thể lưu hành chiếc xe ngoài thị trường.
- An toàn 1 sao: Xe có khả năng bảo vệ các va chạm ở mức độ nhẹ. Xe được trang bị ít công nghệ hỗ trợ an toàn.
- An toàn 2 sao: Xe có thể bảo vệ va chạm tuy nhiên thiếu công nghệ tránh va chạm.
- An toàn 3 sao: Xe có khả năng bảo vệ người trong xe với mức độ thấp và trung bình. Đồng thời, xe cũng được trang bị công nghệ an toàn. Tuy nhiên, các bộ phận không phải đều được trang bị tính năng va chạm hiện đại nhất.
- An toàn 4 sao: Khả năng bảo vệ người trong xe ở mức toàn diện và tổng thể. Ngoài ra còn có thêm công nghệ tránh va chạm;
- An toàn 5 sao: Đây là mức đánh giá cao nhất về mức độ an toàn. Xe có khả năng bảo vệ ở mức xuất sắc trên mọi tiêu chí. Đồng thời xe được trang bị công nghệ an toàn tránh va chạm hiện đại và toàn diện nhất.
Xếp hạng của Euro NCAP còn dựa trên bốn hạng mục khác. Các hạng mục này được biểu thị dạng phần trăm:
- Bảo vệ người lớn: Kiểm tra, đo lường mức độ an toàn của người trưởng thành ngồi trong xe gồm: người điều khiển xe và hành khách. Bài kiểm tra thường được thông qua thử nghiệm va chạm chính diện và phần hông xe.
- Bảo vệ trẻ em: Đo lường, kiểm tra mức độ bảo vệ trẻ em khi ngồi trong xe ở hàng ghế sau khi xảy ra va chạm
- Người đi đường dễ bị tổn thương: Đánh giá mức độ chấn thương và khả năng phục hồi của người đi bị, đạp xe khi va chạm với ô tô. Từ đó đánh giá các tính năng trên xe như: nhận dạng người đi đường, phanh tự động.
Hỗ trợ an toàn: Đánh giá cải thiện các tính năng hỗ trợ an toàn thông qua một số hệ thống mới: phanh khẩn cấp, báo nhắc nhở cài dây an toàn, khả năng chống trượt, giảm tốc độ…
Để đưa ra kết quả đánh giá cuối cùng thì chương trình Euro NCAP thực hiện các bài thử nghiệm được mô phỏng chân thực với đa dạng các loại tai nạn khác nhau. Các thử nghiệm va chạm sẽ có robot/ hình nộm với kích thước tương ứng người lớn, trẻ em, trẻ sơ sinh được đặt tại các bị trí ngồi khác nhau trên xe. Từ đó đưa ra đánh giá, phân tích trên nhiều yếu tố được tư vấn bởi các chuyên gia về kỹ thuật và y tế.
2. Quy trình đánh giá an toàn của Euro NCAP #
Các bài kiểm tra của Euro NCAP khác với các chương trình đánh giá an toàn xe khác khi chỉ tập trung cho 3 yếu tố đảm bảo sự an toàn của người tham gia giao thông, người ngồi trên xe và các công nghệ hỗ trợ an toàn. Mỗi bài đánh giá được thực hiện theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống NCAP, đảm bảo tính khách quan và chính xác tối đa.
2.1. Tác động trực diện từ phía trước #
Đây là bài thử nghiệm đầu tiên được thiết kế bởi Uỷ ban an toàn giao thông châu Âu. Bài kiểm tra này được thực hiện ở vận tốc 64km/h (khoảng 40 dặm/h) và va chạm trực diện vào một vật cản. Vật cản được cố định, có cấu trúc hấp thụ xung lực dạng tổ ong. Đây là bài kiểm tra mô phỏng gần giống với tình huống của các vụ va chạm trực diện giữa hai chiếc xe trong thực tế.
Về kỹ thuật, khoảng 40% tiết diện đầu xe tiếp xúc với vật cản. Trong bài thử nghiệm này cũng sử dụng hai hình nộm với tỉ lệ gần như người thật. Lực tác động lên hai hình nộm này cũng được đo đạc một cách tỉ mỉ để đưa ra đánh giá, đo lường về mức độ bảo vệ người trong xe, mức độ hỗ trợ của các trang bị an toàn như hệ thống túi khí, dây an toàn cũng như độ bền cấu trúc xe sau khi xảy ra tai nạn.
Vào năm 2020, bài thử nghiệm tác động trực diện từ phía trước được cải tiến. Tốc độ thử nghiệm giảm còn 50km/h nhưng tiết diện va chạm là 100%. Mặc dù tốc độ giảm nhưng lực tác động lớn hơn nhiều so với trước. Từ thí nghiệm này, chương trình có thể đánh giá được mức độ thiệt hại và khả năng bảo vệ mà chiếc xe gây ra trong vụ tai nạn.
2.2. Tác động từ bên hông xe #
Tác động từ bên hông xe là thử nghiệm quan trọng thứ hai của Euro NCAP. Bài kiểm tra mô phỏng một vật cản di chuyển tác động với vận tốc 50km/h lên hông xe tại vị trí cửa lái. Một điểm trung tâm của điểm tiếp xúc vào xe được gọi là “R-Point”, đây là nơi chịu tác động 95% lên người ngồi trong xe.
Tình huống giả lập này của Euro NCAP giúp cho ra những kết quả so sánh giữa các xe trong cùng phân khúc. Lực tác động lên hình nộm trong xe đánh giá được mức độ thâm nhập của vật cản vào trong khoang nội thất cũng như mức độ an toàn của người ngồi trong xe.
Năm 2020, bài thử nghiệm này được nâng cấp, thí nghiệm được thực hiện nghiêm ngặt hơn để đánh giá chất lượng túi khí trung tâm, từ đó đánh giá được khả năng bảo vệ an toàn cho người trong xe.
2.3. Tác động bên hông bởi vật cố định #
Bài thử nghiệm này gần giống với thí nghiệm va chạm. Tuy nhiên bài kiểm tra sẽ mô phỏng tình huống người điều khiển xe mất kiểm soát gây ra tai nạn trượt ngang vào các vật cản cố định như: cột đèn, cây cối, nhà cửa. Tình huống này sẽ xác định mức độ nguy hại đến phần bụng, ngực của người lái xe khi va chạm với một vật có hình dạng như cột cứng.
Xe thử nghiệm va chạm với một vật cản dạng cột, tiết diện nhỏ khi đang di chuyển ngang ở tốc độ 32km/h. Những va chạm này thường rất khủng khiếp, gần như làm biến dạng hoàn toàn phần hông xe. Với những mẫu xe nghèo nàn về trang bị an toàn thì hành khách và lái xe thường bị chấn thương nặng, thậm chí là tử vong.
2.4. Tác động đến người đi bộ #
Không chỉ những người ngồi trên xe, chương trình Euro NCAP còn quan tâm sự an toàn của người đi bộ. Những tác động với người đi bộ tưởng chừng như ít gặp nhưng không phải không có. Và tiêu chí này trở thành một phần đánh giá bắt buộc đối với tất cả các mẫu xe tại châu Âu.
Các bài thử nghiệm sẽ mô phỏng va chạm với người đi bộ. Cụ thể, bài thử nghiệm sử dụng hình nộp va chạm với xe đang di chuyển với vận tốc 40km/h, tương ứng với 3 bài thử nghiệm sẽ là khu vực tác động của xe đến người đi bộ: tác động lên phần đầu, phần thân trên và phần chân. Từ đó đánh giá mức độ thiết kế, các tính năng trên xe như: phanh, tín hiệu thông báo…
2.5. Kiểm tra hệ thống bảo vệ trẻ em trên xe #
Euro NCAP đưa ra các thử nghiệm va chạm khi trong xe có hình nộm trẻ em tương đương với một đứa trẻ 18 tháng và 3 tuổi ở vị trí phía sau. Các bài kiểm tra sẽ đo lường và đánh giá khả năng bảo vệ từ cấu trúc xe và thiết bị hỗ trợ. Ngoài ra, từ bài kiểm tra có thể tính toán được nguy cơ bị thương của trẻ em trong các tình huống tai nạn.
2.6. Kiểm tra Whiplash #
Bài kiểm tra này của Euro NCAP đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của gối tựa đầu. Đây là một trang bị có ảnh hưởng trực tiếp đến hạn chế rủi ro chấn thương phần đầu – cổ do va chạm đột ngột.
2.7. Kiểm tra hệ thống hỗ trợ tốc độ và cảnh báo thắt dây an toàn #
Với sự phát triển của công nghệ và tính khắt khe của thị trường về một chiếc xe an toàn thì các nhà sản xuất đang chú trọng đến các trang bị thông minh hỗ trợ an toàn cho người sử dụng.
Một số tính năng như hỗ trợ lái xe/ thông báo tốc độ và báo nhắc nhở thắt dây an toàn nếu như được trang bị những thiết bị này sẽ được đánh giá mức độ hoàn thiện tốt hơn.
2.8. Kiểm tra công nghệ phanh khẩn cấp tự động (AEB) #
Euro NCAP sẽ đánh giá tính năng phanh khẩn cấp hoạt động như thế nào trên một mẫu xe. Đây là tính năng tương đối mới trên thị trường. Nó là dạng tự động lái khi cho phép chiếc xe thay đổi tốc độ khi sắp va chạm.
Bài kiểm tra này được thiết lập khả năng giảm tốc trên 3 loại đường khác nhau: đường nông thôn, đường thành phố, đường dành cho ô tô.
2.9. Tính năng phát hiện người đi đường dễ bị tổn thương #
Đây là bài kiểm tra dành cho những chiếc xe có khả năng phát hiện người đi đường dễ tổn thương như: người đi xe đạp, xe máy, để tránh va chạm với họ. Các chuyên gia sẽ thiết kế trường hợp va chạm và xem xét khả năng và mức độ thiệt hại để có hướng xử lý tình huống phù hợp. Đây là tính năng mới và là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất ô tô hiện nay.
2.10. Kiểm tra khả năng kiểm soát ổn định điện tử #
Euro NCAP đưa ra bài kiểm tra mức độ hoạt động của các hệ thống an toàn được trang bị trên xe. Hệ thống kiểm soát độ bám đường giúp xe ổn định và hạn chế trượt bánh trong khi di chuyển trên địa hình trơn trượt là một trong số những tiêu chí đánh giá trong bài kiểm tra này.
3. Ý nghĩa của chứng nhận Euro NCAP #
Chương trình Euro NCAP từ khi thành lập đến nay ngày càng được nâng cấp về mức độ kiểm tra nghiêm ngặt. Trong những năm qua, xe hơi của các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã trở nên an toàn hơn nhiều, một phần là do các tiêu chuẩn Euro NCAP. Kết quả từ chương trình kiểm tra này sẽ đưa ra sự so sánh đối với các mẫu xe trên thị trường giúp người mua hàng dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu. Ngoài ra, đây cũng được coi như thử thách, động lực cho mỗi nhà sản xuất xe hơi trên thế giới cải tiến công nghệ trên mỗi mẫu xe mà họ đưa ra.
Kết quả kiểm tra của Euro NCAP sẽ có hiệu lực trong vòng 6 năm và có sẽ được công bố chi tiết trên website của Euro NCAP (euroncap.com). Xếp hạng của chương trình này có giá trị trong khu vực và một số nước nhập khẩu xe.
Không dễ dàng để một chiếc xe được công nhận 5 sao từ chương trình Euro NCAP. Đây phải là chiếc xe đầy đủ tiêu chí bảo vệ an toàn cho người lái, hành khách và cả những người cùng tham gia giao thông. Một mẫu xe đạt tiêu chuẩn cao nhất chứng minh nhà sản xuất đã và đang dành quan tâm tối đa tới sự an toàn là lợi ích của người sử dụng, đồng thời khẳng định chất lượng toàn cầu của sản phẩm.
Nguồn tham khảo:
https://vinfastauto.com/vn_vi/tieu-chuan-danh-gia-an-toan-o-to-euro-ncap
https://vi.wikipedia.org/wiki/Euro_NCAP