-
Kỳ tích và ‘bài tập về nhà’ của VinFast khi nộp đơn IPO tại Mỹ
Nhận định về việc VinFast nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, chuyên gia từ John & Partners cho rằng, sự kiện này thể hiện tầm nhìn, khát vọng và tính thực thi của doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới, với người tiên phong là VinFast, một doanh nghiệp mà cách đây 5 năm, đã có rất nhiều sự hoài nghi về khả năng sản xuất xe hơi thương hiệu Việt Nam của họ.
Bên lề sự kiện VinFast nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Tiến sĩ Ngô Công Trường, Giám đốc mảng xe hơi tại Việt Nam của Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ ASQ, Top 40 chuyên gia xuất sắc nhất thế giới về vận hành xuất sắc (Operational Excellence) và Thạc sĩ Nguyễn Thế Trung, CEO John & Partners, Chuyên gia Tài chính và Quan hệ nhà đầu tư quốc tế đã có những chia sẻ về phản hồi của giới chuyên gia về các bước tiến gần đây của VinFast, cũng như đưa ra các đánh giá về những cơ hội sắp tới của doanh nghiệp này tại Mỹ.
Xin hỏi anh Trường, về sự kiện VinFast xuất khẩu 999 chiếc xe điện sang Mỹ, anh từng cho biết, người Việt Nam tại Mỹ đón nhận thông tin này khá tích cực. Vậy với các chuyên gia trong lĩnh vực xe hơi tại ASQ thì sao, đặc biệt là các đồng nghiệp, đối tác người Mỹ của anh? Họ nhìn nhận ra sao về điều này?
TS Ngô Công Trường: Chuyên gia trong lĩnh vực xe hơi tại ASQ thấy khá thú vị và hứng thú với sự kiện này, vì thị trường cần nhiều nhà cung cấp, nhiều tay chơi với nhau. Hiện nay chỉ có Tesla đang thống lĩnh thị trường nên thị trường cần có thêm các tay chơi mới tham gia. Các công ty xe hơi khác đã xuất phát từ rất lâu đời và đa số đến từ Mỹ, đến từ Châu Âu hoặc Nhật Bản, trong khi VinFast lại là công ty Việt Nam. Đây là điều bất thường, và thú vị trong mắt họ.
Còn với các đồng nghiệp tại Mỹ, họ khá ngạc nhiên và bất ngờ. Thực sự, họ không nghĩ rằng sẽ có xe hơi do công ty Việt Nam sản xuất, huống chi là xe điện.
Tuy nhiên, họ không bình luận gì nhiều, vì không có đầy đủ thông tin. Vậy nên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đưa thông tin đến thị trường thế giới nhiều hơn. Chúng ta cần tự tạo ra cơ hội, thông qua việc giới thiệu thông tin của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam ra thế giới nhiều hơn.
Với các chính sách khuyến khích phát triển xe điện của Mỹ, và thái độ của người Mỹ với xe điện ở thời điểm hiện tại, liệu VinFast có thể có được thuận lợi tại thị trường này?
Thuận lợi của thị trường Mỹ, và ngành xe hơi điện, là rộng mở cho tất cả các bên tham gia. Do đó, cơ bản các hãng xe có thuận lợi như nhau. Tuy nhiên, một ‘’tay chơi’’ từ Việt Nam bán xe qua Mỹ sẽ gặp những thách thức nhất định. Đó là điều mà VinFast sẽ cần giải quyết để tham gia sâu vào hệ sinh thái xe điện tại Mỹ.
Với giai đoạn trước bán, VinFast cần tạo ra thương hiệu và uy tín để xâm nhập sâu vào thị trường Mỹ. Ví dụ như ngân hàng có chấp nhận cho vay mua VinFast hay không, bảo hiểm sẽ ra sao. Và giai đoạn sau bán, các công đoạn bảo hành, bảo dưỡng, phụ kiện thay thế (bao gồm phụ kiện của bên thứ ba) sẽ thế nào. VinFast cũng cần mở rộng mạng lưới trạm sạc, và cải tiến liên tục để phù hợp với đặc thù và nhu cầu của khách hàng tại Mỹ.
Việc có doanh nghiệp Việt đưa được tên tuổi Việt Nam ra thế giới chắc chắn là chuyện đáng mừng, nhưng liệu VinFast có thể tạo ra giá trị lâu dài, và đáp ứng được tiêu chuẩn Mỹ hay không?
TS Ngô Công Trường: Việc VinFast xuất khẩu thành công 999 chiếc xe là một cột mốc quan trọng trong chặng đường phát triển, và đâu đó, cho thấy bước đầu tiên VinFast đã được đón nhận tại một trong những thị trường quan trọng nhất thế giới, là thị trường Hoa Kỳ.
Còn tạo ra giá trị lâu dài hay không thì là câu hỏi không chỉ đối với mỗi VinFast, mà là đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất xe hơi và rộng hơn là tất cả các doanh nghiệp.
Khả năng tạo ra giá trị lâu dài, bền vững chính là Operational Excellence (vận hành xuất sắc) mà tại Hoa Kỳ, Hiệp hội Chất lượng Hoa Kỳ với sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp trong ngành xe hơi đều đang hướng tới, bao gồm các yếu tố: Tinh gọn (lean), ổn định chất lượng (six sigma), môi trường làm việc hiệu quả cao (highly effective working environment), tối ưu chuỗi giá trị (optimizing value chain), đổi mới có giá trị (valued innovation) và cuối cùng là trải nghiệm khách hàng.
Những gì đã đạt được hôm nay mới chỉ là khởi đầu, và VinFast hay các công ty khác đều còn nhiều việc phải làm. Chúng ta hãy nhớ lại bài học điển hình của Nokia, gã khổng lồ của ngành điện thoại di động bị đốn ngã trên đỉnh cao với câu nói kinh điển của vị CEO: “chúng ta không làm gì sai, nhưng đâu đó, chúng ta đã thất bại”.
Tại VinFast và Vingroup, với tinh thần “fail fast, learn fast”, tôi không hy vọng VinFast sẽ không gặp khó khăn hay không gặp trở ngại, mà tôi hy vọng, VinFast sẽ vượt qua từng khó khăn và trở ngại một để đem lại giá trị lâu dài và phát triển bền vững.
Nguồn: https://cafef.vn/ky-tich-va-bai-tap-ve-nha-cua-vinfast-khi-nop-don-ipo-tai-my-20221207192507539.chn
Bạn cần đăng nhập để tương tác với nội dung này:
Đăng nhập.Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận
Diễn đàn ‘World Cup 2022’ không còn cho phép tạo thảo luận và trả lời.
Bình luận
Bình luận mới nhất