TP HCM chuyển hướng sang giao thông xanh

Từ metro đến xe đạp công cộng, xe buýt điện, TP HCM đang đẩy mạnh phát triển các loại hình giao thông xanh để giảm ô nhiễm môi trường, thay đổi thói quen của người dân trong sử dụng giao thông công cộng.

Giao thông xanh là gì

Theo WHO, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén… Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.

Đa dạng loại hình giao thông xanh

Đón đầu xu thế giao thông xanh trên thế giới, những năm qua, VinFast đã tiên phong nghiên cứu và sản xuất các dòng xe điện chất lượng cao, thân thiện với môi trường với mục tiêu thực hiện “giấc mơ” giao thông xanh của người Việt. Đầu tiên là sản phẩm xe buýt điện mang tên Vinbus, khai trương lần đầu tiên ở thủ đô Hà Nội và hoạt động rất thành công.

TP HCM là điểm gửi gắm thứ 2 của VinBus khi ngày 9/3/2022, tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM có số hiệu D4 đã chính thức đi vào vận hành. Tuyến có lộ trình dài 29km từ công viên Vinhome Grand Park (Thành phố Thủ Đức) đến bến xe buýt Sài Gòn (quận 1) và ngược lại. Xe Vinbus tiếp cận đến các địa bàn tập trung nhu cầu đi lại cao của người dân như các Công ty, nhà máy khu công nghệ cao, khu đô thị mới, trung tâm hành chính Thành phố Thủ Đức…

Chị Nguyễn Thị Huyền (45 tuổi, sống tại Thành phố Thủ Đức) đánh giá cao loại xe buýt mới, rất tiện ích, đi lại an toàn, mát mẻ và sạch sẽ. “Xe chạy êm ru và không có mùi. Theo tôi, nên phát triển thêm loại hình này để giảm việc đi xe cá nhân, góp phần bảo vệ môi trường” – chị Huyền chia sẻ.

Đại diện Tập Đoàn Vingroup cho biết: “VinBus hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu góp phần tham gia xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xanh, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM đánh dấu sự phát triển nhanh chóng, vượt trội của VinBus trong việc mở rộng cung cấp dịch vụ tại các khu vực trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mở thêm các tuyến buýt điện mới, phục vụ đông đảo người dân hơn nữa”.

Việc chính thức đưa xe buýt điện vào hoạt động cũng là cột mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam và nỗ lực của Tập đoàn Vingroup nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến trải nghiệm xanh, tiện nghi cho người dân.

Trước đó, từ năm 2017, TPHCM đã thí điểm 3 tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng (quận 7). Gần đây, thành phố cũng vừa chấp thuận thí điểm 2 năm cho ôtô dưới 15 chỗ chạy bằng điện ở huyện Cần Giờ, chở khách đến các khách sạn, khu du lịch theo hình thức hợp đồng, du lịch.

“Thay máu” xe buýt

Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP HCM khẳng định, mục tiêu giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh là chủ trương chung của TPHCM. Từ metro đến xe đạp công cộng, hệ thống xe buýt điện, ngành giao thông thành phố đang từng bước đa dạng nhiều loại hình để thực hiện chủ trương này.

“Thành phố phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 có trên 20% xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG, động cơ điện). Hiện trong khoảng 2.500 xe buýt hiện ở TPHCM thì có khoảng 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG)” – ông Lâm chia sẻ.

Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, việc đưa vào sử dụng tuyến xe buýt điện đầu tiên và trong năm nay, dự kiến tiếp tục vận hành thêm 4 tuyến với tổng số 77 xe buýt điện sẽ vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa thu hút người dân quay trở lại với xe buýt sau một thời gian dài sụt giảm hành khách do dịch bệnh.

Theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, dự kiến trong năm nay, ban sẽ triển khai xây dựng tuyến buýt xanh chất lượng cao với lộ trình tuyến dài 26 km, từ phường An Lạc (quận Bình Tân) kết nối ga Rạch Chiếc thuộc tuyến metro số 1 (Thành phố Thủ Đức).

Tuyến buýt này sẽ sử dụng phương tiện nhiên liệu sạch (CNG hoặc xe điện), chất lượng cao (có đầy đủ dịch vụ wifi, hệ thống soát vé thông minh có tích hợp với metro trong tương lai). “Tuyến xe buýt chất lượng cao này cùng với tuyến metro số 1 sẽ tạo ra tuyến giao thông xanh từ bờ Đông sang bờ Tây TPHCM” – ông Phúc nói.

Tổng hợp

  1. Hà Nội và HCM làm điểm cho cả nước. Nếu trong nội đô chạy toàn xe điện thì không khí sẽ rất tuyệt vời cho mọi người “Xanh, Sạch, Đẹp”

  2. Mình ở Vinhomes Grandpark quận 9, nên cũng được cảm nhận môi trường ít khói bụi nhờ vào Vinbus, hy vọng sắp tới sẽ TPHCM thay thế dần xe bus truyền thống bằng những chiếc xe Bus xanh này.