Chuyên gia khuyến nghị nên Luật hóa các chính sách khuyến khích phát triển xe điện

luật hóa chính sách phát triển xe điện thumb

Đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia đánh giá, cơ hội phát triển xe điện tại thị trường Việt rất lớn. Những chính sách, ưu đãi về thuế phí đã và đang góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện của người dân tăng cao. Bởi vậy, việc đưa các chính sách phát triển xe điện vào Luật là cần thiết.

Ưu đãi về thuế, phí là “bước đầu” trong chiến lược khuyến khích người dân sử dụng xe điện

Ngày 20/10/2022, hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức đã đề cập những chính sách thuế dành cho xe điện trong tương lai.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Chính sách thuế xuất, nhập khẩu – Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, cho biết hiếm có ngành nào được hỗ trợ chính sách thuế nhiều như ngành công nghiệp ô tô. Điển hình như những văn bản ưu đãi về thuế, phí được Bộ Tài chính trình Chính phủ và Quốc hội.

chính sách giảm thuế
Chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn lệ phí trước bạ góp phần thúc đẩy nhu cầu người dân sử dụng xe điện

Dựa vào những chính sách đã ban hành, bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu đều không bị áp thuế. Xe xăng lai điện (hybrid) hoặc năng lượng sinh học hiện đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu. Xe điện cũng đang hưởng ưu đãi rất cao về lệ phí trước bạ, miễn phí đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

Bà Ngọc cũng cho biết thêm“Với những chính sách trên, tôi tin rằng sẽ góp phần khuyến khích người tiêu dùng chuyển từ xe xăng sang xe điện vì khách hàng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí. Với các trạm sạc điện, nếu đầu tư tại địa bàn được ưu đãi cũng sẽ nhận được nhiều chính sách về đầu tư và xây dựng trạm sạc”.

Luật hóa chính sách khuyến khích phát triển xe điện, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh

Chỉ ban hành những chính sách ưu đãi dành cho người tiêu dùng là chưa đủ, để đẩy mạnh sự phát triển xe điện, Việt Nam cần đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sản xuất xe điện trong nước.

Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST cho biết “Trong quá trình xây dựng trạm sạc, VinFast gặp rất nhiều khó khăn. Bộ KH&CN đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng trạm sạc, hệ thống và thiết bị bảo vệ trạm sạc. Dẫn tới quá trình xây dựng, VinFast phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế”.

Cần có những chính sách cụ thể cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc
Cần có những chính sách cụ thể cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc

Bên cạnh đó, các vấn đề về pháp lý, hướng dẫn lắp đặt trạm sạc tại mỗi địa phương cụ thể có sự khác nhau, nguồn điện và mức độ cung cấp điện không đồng đều… Bởi vậy cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc và các chính sách mới thúc đẩy phát triển xe điện.

Liên quan đến vấn đề trạm sạc, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế cho biết, Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT phối hợp cùng các địa phương phát triển hạ tầng sạc điện trên các đường quốc lộ và đô thị.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm phát triển các hệ thống trạm sạc điện trên mạng lưới đường bộ như đường quốc lộ, cao tốc còn đường địa phương và đường đô thị sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm.

“Chúng tôi đang xây dựng và quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc điện là một kết cấu hạ tầng giao thông, đặt trạm sạc trên đường cao tốc và quốc lộ. Dự kiến Cục Đường bộ VN sẽ hoàn thành quy hoạch này vào tháng 9/2023 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Toàn cho biết thêm.

Ngoài ra, Chính phủ nên có các chính sách khuyến khích với các doanh nghiệp sản xuất xe điện. Phải hỗ trợ thì mới có những doanh nghiệp nội địa trưởng thành, gánh vác trọng trách của người đi đầu, kéo theo sự phát triển của các doanh nghiệp khác, từ đó đẩy giúp hạ giá thành xe điện và đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước để đẩy mạnh quá trình sản xuất xe điện
Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước để đẩy mạnh quá trình sản xuất xe điện

Theo ông Đào Công Quyết (Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam): Thời điểm năm 2020, chi phí sản xuất xe thuần điện cao hơn 45% so với ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Đến năm 2030, dự kiến con số này chỉ còn khoảng 9%  Để đạt được điều này, chúng ta cần tận dụng nguồn lao nhân công trong nước, ngoài ra cần phải có những chính sách ưu đãi từ nhà nước.

Tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết chiến lược phát triển ngành công nghiệp xe đã được phê duyệt từ 2014 nhưng hiện mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đề xuất sửa đổi chiến lược chiến lược phát triển công nghiệp ô tô để phù hợp mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành Giao thông vận tải.

Việt Nam vẫn còn nhiều không gian để đẩy mạnh sản xuất xe điện

Bên lề hội thảo, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình Đào tạo Kỹ thuật ô tô cho rằng “Ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam ít phụ thuộc vào động cơ đốt trong, đây là một điều may mắn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn còn ở mức đơn giản nên việc chuyển đổi sản xuất từ xe xăng sang điện sẽ thuận lợi. Các nhà sản xuất có thể coi đây là thời điểm vàng để chúng ta chuyển đổi”.

Nhu cầu mua ô tô đang bùng nổ mạnh mẽ, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất
Nhu cầu mua ô tô đang bùng nổ mạnh mẽ, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất

Thêm vào đó, Việt Nam có lợi thế về nguồn năng lượng điện tái tạo, nguồn cung cấp điện xanh như điện mặt trời, điện gió nên có đủ khả năng phục vụ cho hệ thống xe điện. Song song với đó, nguồn nhân công dồi dào, có nhiều kiến thức về tin học, phần mềm, đáp ứng được yêu cầu trong quá trình sản xuất xe điện cũng như các phụ tùng, linh kiện và phần mềm điều khiển.

Đặc biệt, Chính phủ nước ta đã vạch sẵn những mốc chuyển đổi trong lộ trình chuyển từ xe xăng sang điện. Ông Phúc nhận định “Lộ trình sẽ có những bước chuyển giai đoạn. Chúng ta có những lựa chọn khác nhau cho từng giai đoạn phát triển xe điện. Tùy từng giai đoạn sẽ có chính sách hỗ trợ riêng để đến năm 2050, chúng ta có thể hoàn thành quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện”.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Anh Tuấn thứ trưởng bộ GTVT cho rằng, với quy mô dân số khoảng 100 triệu, tăng trưởng kinh tế cao nhưng lượng ô tô điện sử dụng còn rất thấp, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn và chắc chắn sẽ là thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư, sản xuất xe điện.

Thứ trưởng chia sẻ thêm “Với sự quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân, nước ta đang đứng trước cơ hội để vươn lên trong sản xuất và sử dụng xe điện, góp phần giảm phát thải khí, bảo vệ môi trường trong tương lai”.

Các chiến lược phát triển xe điện để thành công cần có sự đồng lòng của người dân và Chính phủ. Những chính sách thuế phí và lộ trình phát triển xe điện hóa cần cụ thể và nên đưa vào Luật để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

(Theo xe.baogiaothong, thanhnien)

  1. Giá trong nước bằng nước ngoài là ok!!!chứ về tới vn giá đội lên gấp rưỡi thì khuyến khích kiểu j???sản xuất trong nước thì áp thuế ít thôi!!!

1 2