-
7 kiểu hành khách gây khó chịu nhất trên xe và cách xử trí
Lưu ý rằng hành khách ở đây dùng để phân biệt với người lái và để chỉ chung những người đi ô tô nhưng không phải là lái xe.
Bày bừa, làm mất vệ sinh trong xe ô tô
Tình huống này dễ xảy ra nhất khi hành khách mang đồ ăn, thức uống lên xe mà không chịu dọn dẹp sau khi ăn xong. Vết bẩn do đồ ăn thức uống dây lên xe, sau một thời gian dài, rất khó tẩy rửa. Đặc biệt, trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, rất nhiều hàng quán chỉ bán ship và mua mang về, thì việc ăn luôn trên xe ô tô ngày càng trở nên phổ biến.
Vì vậy, hãy đề ra quy định “Không được ăn uống trong xe” và cho các hành khách biết trước khi chuyến đi bắt đầu. Nếu như không có quy định này, hãy yêu cầu hành khách dọn dẹp sau khi ăn.
Đóng sầm cửa
Rất nhiều người đôi khi lỡ tay đóng cửa quá mạnh, gây khó chịu cho những người xung quanh. Đóng sầm cửa còn là một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng đối với người khác.
Để tránh trường hợp này, bạn có thể chủ động xuống xe đóng mở cửa xe và mời hành khách lên xe. Cách làm này còn thể hiện được sự tôn trọng và nhã nhặn của chúng ta đối với hành khách. Còn nếu không thì một câu nhắc nhở nhẹ nhàng cũng có thể có tác dụng rồi.
Gác chân lên bảng điều khiển
Đây quả là một hành động thiếu tôn trọng, kém duyên và nguy hiểm của một số hành khách khi đi xe ô tô. Ngoài việc làm bẩn bảng điều khiển và kính chắn gió, việc làm này còn gây khó khăn cho người lái trong việc quan sát gương chiếu hậu.
Hơn nữa, nếu không may xảy ra tai nạn, tư thế ngồi này cũng có thể gây ra chấn thương nặng cho hành khách đó. Vì khi đó đầu gối và mặt ở vị trí ngang nhau. Do vậy, khi phanh gấp rất có thể xương hàm có thể sẽ đập vào đầu gối, gây gãy xương.
Để ngăn chặn hành vi này, bạn cũng phải đề ra quy định: “Không gác chân lên bảng điều khiển trung tâm” hoặc nhắc nhở trực tiếp với hành khách từ khi bắt đầu lên xe.
Chiếm chỗ, ngả ra ghế
Nhiều hành khách sẵn sàng duỗi thẳng chân, hoặc chiếm 2 -3 ghế khác để ngả lưng. Cũng không ít người ngồi ghế trên và không ngần ngại ngả ghế quá đà làm ảnh hưởng đến người ngồi sau.
Trong trường hợp này, hãy chủ động nhắc nhở hành khách từ lúc mới lên xe.
Tự ý đổi bài hát
Bạn đang tận hưởng bài hát yêu thích của mình, bỗng nhiên người hành khách ngồi bên cạnh tự ý chuyển bài hát mà không hỏi ý kiến của bạn. Có vẻ như đây là một chuyện hết sức đơn giản, nhưng nó có thể gây ức chế cho người lái trong suốt chuyến đi, ảnh hưởng đến chất lượng lái xe.
Để tránh sự cãi vã, bạn nên đề ra quy định từ lúc bắt đầu chuyến đi.
Hành khách nhiều lời
Chắc hẳn các bạn đã gặp những kiểu bạn đồng hành như thế này rồi phải không? Họ liên tục lặp đi lặp lại: “Bạn đang đi nhầm đường rồi.” “Bạn đang đi quá gần ô tô phía trước rồi đấy.” “Bạn đang đi quá nhanh/chậm rồi đấy.” Trong khi tất cả những gì bạn muốn bây giờ là tập trung lái xe.
Có thể họ có ý tốt thật và muốn có một chuyến đi an toàn, nhưng cũng có thể là đơn giản vì họ chỉ muốn kiểm soát vô-lăng. Một lần nữa, cách tốt nhất là đề ra quy định yêu cầu hành khách yên lặng trong suốt chuyến đi.
Nói chuyện to trên xe
Trong xe là không gian kín, vì vậy nói chuyện quá to trên xe sẽ làm người khác khó chịu và làm người lái mất tập trung. Nếu bắt buộc phải nói chuyện điện thoại, ta cũng nên nói nhỏ và kết thúc thật nhanh, tránh làm ảnh hưởng đến người khác.
Rất khó để đề ra quy định về âm lượng của cuộc nói chuyện trong xe ô tô. Vì vậy khi người lái cảm thấy bị mất tập trung, hãy nhắc nhở trực tiếp các hành khách.
Nói tóm lại, cách tốt nhất để ngăn chặn các hành vi gây khó chịu của hành khách khi đi ô tô là nhắc nhở và đề ra quy định từ lúc mới lên xe. Mất lòng trước, được lòng sau.
Một vài hành vi có thể chỉ gây sự khó chịu, nhưng có những hành vi còn gây nguy hiểm. Vì vậy đừng vì chút cả nề mà gây ức chế, nguy hiểm cho chính bản thân và các hành khách trên xe. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn biết cách xử lý các kiểu hành khách khó chịu trên xe và có chuyến đi an toàn và thoải mái hơn.
Nguồn:https://kgo.life/kinh-nghiem/7-kieu-hanh-khach-gay-kho-chiu-nhat-tren-xe-va-cach-xu-tri-1628818256Bạn cần đăng nhập để tương tác với nội dung này:
Đăng nhập.Bình luận
Bạn phải đăng nhập để bình luận
Bình luận
Bình luận mới nhất