Hướng dẫn sơn xe ô tô

Trong ngành dịch vụ sửa chữa ô tô, việc sơn xe ô tô luôn đòi hỏi một quy trình chuẩn xác từng bước. Như các bạn đã biết, sơn xe ô tô bao gồm nhiều lớp khác nhau, mỗi lớp sơn cần đủ thời gian để khô trước khi có thể sơn lớp tiếp theo. Trong trường hợp bình thường, sẽ có 4 lớp sơn phủ khắp xe nhưng thời gian khô lâu nhất là lớp sơn bên ngoài của xe là lớp sơn bóng.

Tùy theo độ hư hỏng của sơn mà thời gian sơn sẽ nhanh hoặc chậm hơn. Thông thường, xe sẽ khô khoảng 2 tiếng sau khi phủ lớp sơn bóng cuối cùng, nhưng để khô hoàn toàn, bạn có thể yên tâm rằng sẽ mất khoảng 8 tiếng.

Sơn xe ô tô mất bao lâu?

Như bạn đã biết, sơn xe cần ít nhất 2 giờ để khô. Tuy nhiên, việc sơn xe ô tô mất bao lâu còn tùy thuộc vào diện tích sơn bị hư hỏng và tình trạng hư hỏng của lớp sơn. Ngoài ra, đối với các chi tiết sơn phải gò, hàn cũng sẽ khiến thời gian kéo dài đáng kể.

Các kiểu sơn xe ô tô và thời gian hoàn thành

Sơn dặm

Sơn dặm (hay sơn vá) là chỉ sơn một vài bộ phận, vị trí cụ thể trên ô tô. Chính vì sơn ít nên thời gian sơn cũng nhanh hơn (chỉ từ 1 đến 2 ngày) và chi phí cũng khá thấp.

Tuy nhiên việc sơn này lại có độ khó cao, đòi hỏi thợ sơn phải có kinh nghiệm và chuyên môn vững. Lý do là vì pha màu và phun sơn làm sao để vùng sơn mới tương đồng, hài hòa nhất với lớp sơn cũ xung quanh không phải là việc dễ dàng, nhất là đối với những thợ mới.

Sơn toàn bộ ô tô

Sơn toàn bộ ô tô là bốc bỏ toàn bộ lớp sơn cũ sau đó sơn chống gỉ và sơn mới lại bằng 4 lớp chuẩn. Ở đây cũng có hai cách là sơn ngoài và sơn toàn diện. Sơn ngoài chỉ sơn phần vỏ ngoài xe tại những vị trí có thể quan sát được.

Còn sơn toàn diện là cách sơn giống y như khi lắp ráp tại xưởng, sơn toàn bộ khung xe và vỏ xe ở cả phần thấy được cũng như phần khuất bên trong.

Chính vì vậy để thấy rõ được toàn bộ khung và thân vỏ xe, người thợ buộc lòng phải tháo hết tất cả máy móc, thiết bị, nội thất trong xe. Tuy nhiên, rất ít khách hàng lựa chọn cách này bởi vì nó mất khá nhiều thời gian, chi phí lớn và quy trình thực hiện cũng rất phức tạp. Việc này chỉ được thực hiện khi ô tô của khách hàng gặp sự cố nghiêm trọng, gây trầy xước nhiều chỗ trên xe.