Mua bảo hiểm thân vỏ liệu có thật sự cần thiết khi mua ô tô mới?

Thông thường, sau khi sở hữu một chiếc xe ô tô, hầu hết mấy bác đều phải bỏ ra một khoảng chi phí kha khá mua những gói bảo hiểm: Bảo hiểm dân sự bắt buộc, bảo hiểm thân vỏ,… Mà bảo hiểm dân sự đã là bắt buộc thì phải mua rồi. Còn lại bảo hiểm thân vỏ thì tùy thuộc vào các bác vì nó là tự nguyện (cơ mà tôi nghe tâm sự của các bạn nhân viên sale kể đa phần anh em đều tránh mua bảo hiểm này, chả hiểu sao?). Tôi có một số quan điểm cá nhân sau, các bác xem xét rồi cân nhắc mua hay không nhé!

Bảo hiểm thân vỏ tự nguyện là gì?

Bảo hiểm thân vỏ tự nguyện là bảo hiểm sẽ hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả thiệt hại về xe trong trường hợp chủ xe tự gây ra các tổn thất không mong muốn mà không có tác động từ bên thứ ba.

Tôi có thể ví dụ cho các bác như thế này: Giả sử khi các bác lùi xe không may bị đâm vào trụ, cột hay bức tường phía sau thì đơn vị bảo hiểm sẽ căn cứ vào tính đúng sai và mức độ hư hại để đưa ra phương án bồi thường thiệt hại cho mình.

Thêm một ví dụ nữa cho dễ hiểu là giả sử xe A và B va chạm, xe A mua bảo hiểm, B không mua. A sai, bảo hiểm vẫn bồi hoàn cho bên A để hỗ trợ tai nạn, nhưng chỉ được một phần nhỏ hoặc tùy theo điều khoản hợp đồng. Hoặc trong trường hợp xe B sai bảo hiểm cũng bồi hoàn cho A nhưng sau đó sẽ yêu cầu B bồi hoàn lại.

(Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Vậy ai mới cần mua bảo hiểm thân vỏ?

Với tôi các bác nên mua bảo hiểm thân vỏ trong các trường hợp sau:

  • Đối với các bác mới lái, còn thiếu kinh nghiệm lái xe hoặc chưa nhuần nhuyễn các kỹ năng lái xe.

=> Dẫn đến trầy xước xe không mong muốn khi va vào vật cản khi đỗ xe,…

  • Ô tô chạy ở Thành phố, thành thị có cơ sở giao thông chưa phát triển.

=> Bởi vì hệ thống giao thông còn chật chội sẽ không tránh khỏi những va quẹt với nhau.

  • Những khu vực có địa hình, thời tiết xấu, ngập lụt thường xuyên.
  • Sẽ làm ảnh hưởng đến động cơ, giảm tuổi thọ hay hư hỏng động cơ của xe.
  • Đặc biệt đối với các bác mua qua hình thức trả góp, vay ngân hàng thì hầu hết đều bắt buộc mua bảo hiểm thân vỏ.

Thế có những gói Bảo hiểm gì?

Có khá là nhiều gói bảo hiểm thân vỏ nhưng sau đây tôi sẽ liệt kê cho các bác một vài gói thông dụng nhất:

  • Gói “Bảo hiểm Cơ Bản”: là một gói bảo hiểm với khung cơ sở là bảo vệ chủ xe trong trường hợp có hư hỏng, va chạm bên ngoài máy móc.
  • Gói “Bảo hiểm Miễn Thường”: là gói bảo hiểm giới hạn tổn thức tại đó, công ty bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm, thường sẽ rơi vào vào từ 500.000 đồng – 2.000.000 đồng. Mức miễn thường được sinh ra là để loại trừ các bác nào mà quá “chăm chỉ sửa xe nhờ bảo hiểm”, giảm bớt sự thất thu bảo hiểm.
  • Gói “Bảo hiểm Toàn Bộ”: là bảo hiểm có thể chi trả tất cả các chi phí hư hỏng xe do cháy nổ, thân vỏ, máy móc, thủy kích,… và ngay cả việc mất cắp.

Các bác cũng có thể mua lẻ các gói bảo hiểm nhỏ như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thủy kích, bảo hiểm mất cắp,…

Chi phí bảo hiểm thì sao?

Công thức tính bảo hiểm như sau:

Phí bảo hiểm = Giá xuất hóa đơn (hoặc Giá niêm yết) x Hệ số phí bảo hiểm

Ví dụ: Một chiếc Vios 2020 thường có hệ số bảo hiểm 1%, giá xe 570.000.000 đồng. Nên mức phí bảo hiểm là:

1% x 570.000.000 đồng = 5.700.000 đồng

Tuy nhiên, một chiếc Vios 2010 cũng có thể có mức phí khoảng 5.000.000 – 6.000.000 đồng. Vì xe cũ dễ hỏng, chi phí sửa chữa cao nên hệ số bảo hiểm cao hơn, có thể 1,5 – 2%.

Vậy tôi đính kèm cho các bác tham khảo mức phí bảo hiểm một vài dòng xe bên dưới:

Ngoài ra, vẫn có nhiều bác hỏi tôi là xe mua về ít đi thì có nên mua bảo hiểm thân vỏ luôn không thì xin thưa là: Tùy các bác.

(Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Trên thực tế, nếu trong trường hợp các bác ít chạy xe, ít va quẹt hoặc lâu lâu mới lái thì việc mua bảo hiểm thân vỏ cũng có thể chấp nhận bỏ qua.

Nhưng với tôi thế này, những việc xui rủi hay tai nạn ngoài ý muốn của mình tuy tỉ lệ thấp nhưng vẫn không chắc tuyệt đối không dính.

=> Phương án tối ưu nhất để bảo vệ quyền lợi của mình là mua bảo hiểm thân vỏ nhưng với mức thấp nhất, tức là không có các dịch vụ lằng nhằng đi kèm như thủy kích hay thay thế phụ tùng 100%.

Như vậy, có thể vừa giảm bớt chi phí mua bảo hiểm cho các bác mà yên tâm hơn khi lỡ xảy ra va chạm cũng không phải chi trả bồi thường một mình.

Nói tóm lại, các bác vẫn nên cân nhắc mua bảo hiểm thân vỏ vì nó bảo vệ quyền lợi, đỡ phần thiệt hại cho mình. Thà phòng bệnh còn hơn chữa bệnh!

Ý kiến của tôi như thế còn ý kiến của các bác như nào?