[Rinh rồng vàng] Chinh phục đường đèo với xe điện: sức mạnh của năng lượng tái tạo

Trong bài thi “Lái xe xanh – Rinh rồng vàng” , anh Nguyễn Văn Chu đã có những trải nghiệm đầy thú vị của việc lái xe điện trên những con đường đèo dốc cùng sự hỗ trợ của tính năng tái tạo năng lượng (RBS) đặc biệt của xe. Ngoài ra, anh cũng chia sẻ về các thách thức và rủi ro khi lái xe trên đường đèo, cùng với những mẹo an toàn và kỹ năng lái xe cần thiết để vượt qua cung đường thử thách này.

LÁI XE ĐIỆN ĐƯỜNG ĐÈO, DỐC

Cho tới nay nhiều chủ xe ô tô điện (EV), hiệu VinFast đã có trải nghiệm đổ đèo, leo dốc trên những cung đường khác nhau, trong đó có hành trình “xuyên Việt”. Gia đình tôi cũng đã có chuyến đi 4108 km Nam – Bắc – Nam vào tháng Chín năm 2022. Lượt vào, tối 25/9/22 nghỉ lại Huế, dự tính sáng hôm sau thăm Kinh thành nhưng được tin bão số 4 (NORU) rất mạnh sẽ đổ bộ vào Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi trong vài ngày tới nên chúng tôi vội vàng rời Huế. Phần vì muốn trải nghiệm, phần vì cho rằng Bão chưa tới ngay, chúng tôi chọn qua đèo Hải Vân, thay vì hầm. Xe lên đèo rất ổn, dù ảnh hưởng bão, mưa rào nhưng nhờ tính năng tái tạo năng lượng (RBS) mà khi xuống dốc, rất ít khi phải đệm phanh. Lên tới Hải Vân quan, đỉnh đèo, mức pin còn lại là 31%, xuống hết đèo về phía Đà Nẵng, mức pin lên 37%. Gần 2 năm dùng VF e34, cũng đã qua một số đèo, dốc, hầm (Đèo Cả, Cù Mông, cụm Hải Vân, Đèo Ngang, Tam Điệp; Bảo Lộc, Tà Pứa, Gia Bắc, Đại Ninh…), tôi muốn trao đổi vài ý nhỏ. So với xe cũ chạy xăng (ICE) của tôi thì trải nghiệm đèo, dốc bằng VF e34 có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận. Xin mở ngoặc, đây chỉ là trải nghiệm của cá nhân, một người đã rất quan tâm, đã tìm hiểu nhiều về EV nhưng vẫn chỉ là nghiệp dư thôi.

Các bạn có thể đã là người trong cuộc hoặc tìm thấy rất rất nhiều trao đổi, chia sẻ, hướng dẫn “kinh nghiệm lái xe đường đèo dốc”. Tuy nhiên, tôi nghĩ EV có một số khác biệt, mà chủ yếu ở tính năng RBS. Còn một loạt những tính năng công nghệ vượt trội khác của EV, trong đó có các mẫu xe VinFast, xin không nhắc lại.

Trước hết và tôi chỉ đề cập RBS (Tôi đã có một số trao đổi khá chi tiết về RBS). Vậy RBS có ý nghĩa gì, khi EV đổ đèo, leo dốc. RBS vừa giúp ghìm xe (tự phanh, tương tự như phanh bằng động cơ xe ICE), vừa có thêm chút điện, sạc cho khối pin, khi xe xuống dốc. Tính năng này hỗ trợ người lái điều khiển xe an toàn và nhàn hơn, ở chỗ không phải thường xuyên rà phanh, bớt lo “mất phanh”, mà vẫn tăng thêm được mức pin. Để thích ứng và an toàn, người lái cần chọn chế độ lái “Tiết kiệm”. Khi xuống dốc, tùy thuộc vào mức độ, chiều dài dốc, vận tốc xe và tình huống GT thực tế, người lái giữ khoảng cách với xe phía trước và quyết định khi nào cần rà phanh với lực phanh ở mức nào, trong bao lâu. Đặc biệt, đừng ỉ lại RBS và quá ham “tái tạo năng lượng” mà chậm hoặc không rà phanh, khiến xe trôi quá nhanh. Nếu lạm dụng RBS, bạn có thể gặp nguy hiểm, dí mũi xe của mình vào đuôi xe đi trước hoặc tệ hơn là mất lái, xe văng khỏi dốc…

Còn rất nhiều thao tác, kỹ xảo cốt tử khi đổ đèo, leo dốc như: Mật độ GT, tình trạng mặt đường, thời tiết (mưa, gió, sương mù, ánh sáng). Không ít lần Bạn gặp phải xe lớn, dài, chở hàng quá khổ hay một nhóm phượt bằng xe mô tô và những người đi xe máy qua đèo… Tỷ như một xe đầu kéo dài, nặng tải, tại khúc cua tay áo (cùi chỏ) tài xế phải mở rộng vòng cua, có khi choán hết phần đường ngược lại. Khi đó, bạn có thể thấy phía trong vòng cua của xe này còn khá rộng, thoáng để mình có thể chen vào, vượt qua. Đừng bao giờ làm thế. Bạn sẽ rơi vào điểm mù của nó và nhanh chóng bị ép ra mép dốc, vào ta luy dương hoặc đối đầu với xe (ô tô, mô tô phượt, xe máy…) chiều ngược lại. Cũng tại những khúc cua tay áo, thấy đường khá rộng, ít xe nhưng nếu tầm nhìn khuất thì hãy coi chừng, nhóm mô tô phượt (hay thể hiện) hoặc một vài xe máy hoặc một chiếc ô tô chạy rất ẩu bất ngờ xuất hiện ngay phía trước, họ cũng có thể vọt lên từ phía sau.

Còn rất nhiều tiểu tiết, kỹ năng lái xe khác và việc kiểm tra xe trước khi qua đèo, trù liệu mức pin hay kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật xe trước hành trình dài… là những việc đương nhiên phải làm. Nhưng tựu chung “LÀM CHỦ TỐC ĐỘ” luôn phải được đặt lên hàng đầu, là kim chỉ nam cho lái xe an toàn.

Chúc các bạn “MẤY ĐÈO CŨNG QUA” và luôn THƯỢNG LỘ BÌNH AN!

Hãy tham gia dự thi “Lái xe xanh – Rinh rồng vàng” để chia sẻ trải nghiệm thú vị của mình tới Cộng đồng. Nhấp vào hình sau để dự thi ngay.