TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh đưa xe điện vào cuộc sống

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển các loại phương tiện di chuyển bằng điện để giảm ô nhiễm môi trường, thay đổi thói quen của người dân, hướng đến thành phố có nhiều xe điện nhất Việt Nam.

Phủ xe máy điện, xe buýt điện, xe taxi điện 2030-2050

Đây là một trong những phương án đang được TP Hồ Chí Minh nghiên cứu nhằm thực hiện đề án kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành, song song mục tiêu phủ sóng phương tiện “sạch” khắp thành phố từ 2050.

Hiện nay, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ và một số khu vực trong vùng nội đô. Khi cầu Cần Giờ hoàn thành, tại Mỹ Khánh sẽ có một bãi đệm, các phương tiện đi vào Cần Giờ nếu không phải là xe điện sẽ được gửi lại tại đây. Sau đó sẽ có xe điện trung chuyển công cộng vào tất cả các nơi của Cần Giờ. Cùng với đó là đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xe taxi, xe buýt, ô tô mua sắm công của các cơ quan nhà nước… sang xe điện.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp với nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á – NDC TIA” xây dựng kế hoạch “loại” xe xăng, phủ xe điện. Nhóm tư vấn kiến nghị lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện cho TP Hồ Chí Minh gồm 3 giai đoạn, mục tiêu đến 2050 sẽ đạt tỷ lệ phủ xe điện với phương tiện giao thông công cộng là 100%, phương tiện giao thông cá nhân đạt 90%.

Đến 2035, dừng cấp đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong. Tiến đến 2040 đặt mục tiêu dừng cấp đăng ký mới với xe dùng động cơ diesel và xe mô tô/xe máy dùng động cơ đốt trong. Năm 2050, TP Hồ Chí Minh sẽ dừng cấp đăng ký mới với tất cả xe sử dụng nhiên liệu từ động cơ đốt trong. Nếu thực hiện được đề án này, TP Hồ Chí Minh sẽ là thành phố đầu tiên ở Việt Nam phát triển giao thông điện để giảm ô nhiễm môi trường.

“Phát triển phương tiện giao thông điện là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể cưỡng lại được xu thế này. Dự kiến đến năm 2030, chỉ còn 41% số lượng phương tiện bán ra trên thế giới là phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, còn lại là phương tiện sử dụng điện hoặc các dạng nhiên liệu lai giữa điện và động cơ đốt trong. Phương tiện giao thông điện đã xâm nhập vào thị trường TP Hồ Chí Minh như một xu thế tất yếu. Giờ là lúc vẽ con đường để các loại phương tiện này trở thành phổ biến ở TP Hồ Chí Minh” – GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội – Trưởng nhóm tư vấn dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á – NDC TIA” nói.

Hỗ trợ người dân thành phố đổi sang xe điện

TP Hồ Chí Minh chính thức công bố kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang xe máy điện. Dự kiến, chương trình này sẽ khởi đầu từ quý I năm 2024, đồng thời, đề án hỗ trợ dự kiến sẽ được ban hành vào quý IV năm 2023.

Theo kế hoạch của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, chương trình hỗ trợ sẽ tập trung vào nhiều khía cạnh như hỗ trợ sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu các phương tiện; hỗ trợ người tiêu dùng và người sử dụng; hỗ trợ hạ tầng, linh kiện điện, pin và trạm sạc; hỗ trợ trong khâu vận hành và khai thác.

Đối với các loại mô tô và xe 2 bánh cũ, Sở Giao thông Vận tải cũng đã xác định các khu vực thí điểm như huyện Cần Giờ và khu vực trung tâm, cùng với việc nghiên cứu các hỗ trợ gián tiếp thông qua chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện. Thành phố hiện có khoảng 9 triệu phương tiện cá nhân, trong đó, xe máy chiếm tỷ lệ lớn.

Vingroup tham gia kiến tạo giao thông xanh ở TP Hồ Chí Minh

VinFast trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên sử dụng xe buýt điện tại Việt Nam vào năm 2021. Điều này thúc đẩy việc vận hành xe “xanh” trong hoạt động dịch vụ giao thông, góp phần quan trọng vào chiến lược trung hòa carbon vào năm 2050 của Chính phủ.

Việc đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt điện Vinbus ở TP Hồ Chí Minh của Tập đoàn Vingroup là cột mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm của các tỉnh thành và nỗ lực của Tập đoàn nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến trải nghiệm xanh, tiện nghi cho người dân.

Loại phương tiện này sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm tiếng ồn, khí thải, di chuyển êm, mang lại cho hành khách sự thoải mái.

Sau khi các tuyến xe buýt điện được nhiều người dân đón nhận, tập đoàn Vingroup tiếp tục phát triển thêm lĩnh vực taxi, sử dụng các sản phẩm chất lượng cao của VinFast. Ngày 6/3/2023, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng công bố quyết định thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, hoạt động trong 2 mảng chính bao gồm cho thuê ô tô – xe máy điện và taxi điện.

Để tăng cường nhận thức sử dụng dịch vụ giao thông “xanh” cho người dân, công ty GSM còn cam kết trích 1.000 đồng cho mỗi cuốc xe taxi vào quỹ “Vì tương lai xanh” thuộc tập đoàn Vingroup.

Ngoài ra, việc lan rộng lượng xe điện chạy dịch vụ cũng khiến khách hàng có thể tiếp cận tới những phương tiện không phát thải. Từ đó, người dân sẽ hiểu thêm về nguyên lý hoạt động, cách sử dụng trạm sạc, độ bền bỉ và tin cậy của xe điện.

Tổng hợp từ nhiều bài báo

1 2 3