Xe điện và năng lượng sạch đang được triển khai như thế nào để giảm phát thải CO2?
Theo một báo cáo mới từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc ứng dụng xe điện và triển khai năng lượng sạch đang góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 vào năm 2022.
Lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng mạnh trở lại vào năm 2021 khi hoạt động kinh tế phục hồi sau các đợt phong tỏa nghiêm ngặt trong đại dịch. Các biện pháp kích thích của chính phủ và việc triển khai nhanh chóng các loại vắc xin đã khởi động nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh mẽ trở lại.
Kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng 5,9% khi người dân quay trở lại với công việc hàng ngày. Đồng thời, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra vẫn còn tồn tại, đẩy giá hàng hóa tăng cao, dẫn đến lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Giá năng lượng như khí đốt và dầu mỏ tăng cao chưa từng có với khả năng sản xuất hạn chế và nhu cầu tăng vọt. Giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào than đá – một loại nhiên liệu vốn thải ra rất nhiều CO2.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang trở nên tệ hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine và quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, đe dọa đến nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, thay vì trở thành nạn nhân của giá dầu và khí đốt không ổn định, một số quốc gia đã đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp năng lượng bền vững, thực hiện các chính sách ưu đãi để thúc đẩy năng lượng tái tạo và việc áp dụng xe điện.
2022 là một năm chuyển đổi mạnh mẽ khi các nhà lãnh đạo Chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch tạo ra khí thải carbon. Trong nửa đầu năm 2022, các nguồn năng lượng tái tạo đã đáp ứng được sự gia tăng nhu cầu điện toàn cầu. Hơn nữa, sau khi tăng gấp đôi vào năm 2021, doanh số bán xe điện đang chiếm 13% tổng doanh số bán xe hạng nhẹ toàn cầu.
Theo phân tích mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, bất chấp khủng hoảng năng lượng đang rình rập, việc gia tăng kỷ lục xe điện và sử dụng năng lượng tái tạo đang góp phần đáng kể trong việc giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm lượng khí thải CO2.
Báo cáo của IEA cho biết, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm 2022 chỉ tăng 1% (tương đương 300 triệu tấn), trong khi từng tăng vọt gần 2 tỷ tấn vào năm 2021. IEA cũng tuyên bố rằng, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm nay sẽ lớn hơn nhiều nếu không có sự triển khai quy mô lớn của các công nghệ năng lượng tái tạo và xe điện trên khắp thế giới. Điều này tương phản hoàn toàn với những gì xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008: lượng khí thải CO2 đã tăng đáng kể trong vài năm sau đó.
Giám đốc điều hành IEA – Fatih Birol giải thích: “Điều này có nghĩa là lượng khí thải CO2 trong năm nay đang tăng chậm hơn nhiều. Các chính sách hành động của các Chính phủ đang thúc đẩy thay đổi cấu trúc nền kinh tế năng lượng.”
Cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra một cuộc chạy đua tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Cho đến nay, năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang giúp bù đắp cho nguồn cung năng lượng thiếu hụt. Theo IEA, năng lượng mặt trời và gió đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi từ năng lượng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo với mức kỷ lục 700 TWh được tạo ra vào năm 2022.
(Theo Electrek)
Bạn cần đăng nhập để tương tác với nội dung này: Đăng nhập.