- 1. Lịch sử 200 năm phát triển của ngành ô tô thế giới
- 1.1. Thời kỳ của xe chạy bằng động cơ hơi nước
- 1.2. Sự phát triển của xe dùng động cơ xăng
- 1.3. Ford và cuộc cách mạng của ngành ô tô thế giới
- 1.4. Thời kỳ của những chiếc xe kinh điển
- 1.5. Ô tô châu Âu hậu Thế chiến
- 1.6. Xe dùng động cơ V8 của Mỹ
- 1.7. Xe cỡ C của Mỹ
- 1.8. Ô tô Nhật Bản
- 1.9. Sự trỗi dậy của xe minivan và xe thể thao đa dụng (SUV)
- 1.10. Các loại xe sử dụng nhiên liệu thay thế
- 2. Các cường quốc của ngành ô tô thế giới
Ngành công nghiệp xe hơi mà chúng ta biết đến ngày nay được gây dựng nên từ hàng trăm nghìn ý tưởng. Những ý tưởng này đã phát triển và thay đổi chóng mặt trong vòng 200 năm qua.
1. Lịch sử 200 năm phát triển của ngành ô tô thế giới #
Con người đã bắt đầu suy nghĩ về ô tô từ thời kỳ Phục Hưng. Vào năm 1335, một người đàn ông người Ý có tên Guido da Vigevano đã lên kế hoạch cho một chiếc xe chạy bằng gió. Đến thế kỷ 15, danh họa Leonardo da Vinci cũng từng phác họa thiết kế của một chiếc xe 3 bánh chạy bằng bánh răng. Tuy nhiên, lịch sử của ngành ô tô thế giới chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1769.
1.1. Thời kỳ của xe chạy bằng động cơ hơi nước #
Phần lớn các nhà sử học đều đồng tình rằng Nicolas-Joseph Cugnot – một kỹ sư quân đội người Pháp – là người tạo ra chiếc xe đúng nghĩa đầu tiên. Ra đời vào năm 1769, chiếc xe của Cugnot có 3 bánh, chạy bằng động cơ hơi nước vừa to vừa nặng và có thể đạt vận tốc 3,6 km/h nếu chở 4 người.
Chiếc xe chạy bằng động cơ hơi nước của Cugnot (hình sưu tầm)
Sau Cugnot, đã có nhiều người khác bắt tay vào chế tạo xe chạy bằng động cơ hơi nước. Chiếc xe chạy bằng hơi nước đầu tiên ra đời sau thời kỳ của Cugnot được chế tạo tại Amiens, Pháp, vào năm 1790. Đến năm 1800, những chiếc xe buýt chạy bằng hơi nước đã xuất hiện trên đường phố của thủ đô Paris, Pháp. Cũng trong giai đoạn này, xe chạy bằng động cơ hơi nước đã lăn bánh tại nước Mỹ.
Các nhà phát minh người Anh cũng rất tích cực chế tạo xe chạy bằng động cơ hơi nước. Vào năm 1830, việc sản xuất và sử dụng xe chạy bằng động cơ hơi nước đã nở rộ tại xứ sở sương mù.
1.2. Sự phát triển của xe dùng động cơ xăng #
Nguyên lý 4 kỳ được áp dụng cho phần lớn động cơ xe hơi hiện đại là phát minh của kỹ sư người Pháp Alphonse Beau de Rochas vào năm 1862. Sau đó 1 năm, kỹ sư người Bỉ Jean-Joseph-Etienne Lenoir đã phát minh ra xe không cần ngựa kéo. Chiếc xe này sử dụng động cơ đốt trong và có thể di chuyển với vận tốc khoảng 4,8 km/h. Đây cũng là động cơ đốt trong thành công về mặt thương mại đầu tiên trên thế giới.
Năm 1867, kỹ sư người Đức Nikolaus August Otto đã cải tiến động cơ đốt trong. Kết quả là động cơ đầu tiên đốt cháy nhiên liệu một cách hiệu quả trong buồng đốt ra đời.
3 năm sau đó, Julius Hock đến từ Vienna, Áo, chế tạo động cơ đốt trong chạy bằng xăng đầu tiên. Trong khi đó, Otto lại chế tạo thành công động cơ đốt trong 4 kỳ vào năm 1877. Vì thế, chu trình 4 kỳ của động cơ còn được gọi là chu trình Otto.
Tuy nhiên, người được coi là “cha đẻ” của chiếc ô tô chạy bằng xăng đầu tiên trên thế giới lại là kỹ sư người Đức Karl Benz. Vào năm 1885, ông đã trình làng chiếc ô tô đầu tiên của mình với thiết kế 3 bánh và chạy bằng động cơ 1 xi-lanh, 2 kỳ. Một năm sau, đến lượt kỹ sư người Đức Gottlieb Daimler cho ra đời chiếc xe của riêng mình.
Xe của ông Karl Benz được coi là chiếc ô tô chạy bằng xăng đầu tiên trên thế giới (hình sưu tầm)
Đến năm 1926, hai công ty của ông Benz và Daimler được sáp nhập, bán xe ra thị trường dưới thương hiệu Mercedes-Benz. Đây cũng chính là tiền thân của tập đoàn Mercedes-Benz ngày nay.
1.3. Ford và cuộc cách mạng của ngành ô tô thế giới #
Ông Henry Ford đã chế tạo chiếc ô tô đầu tiên của mình mang tên Quadricycle vào tháng 6/1896. Tuy nhiên, thành công chỉ thực sự đến với ông khi thành lập công ty ô tô Ford vào năm 1903. Vào năm 1908, ông giới thiệu mẫu xe Model T và nhanh chóng gây được tiếng vang.
Trong giai đoạn từ năm 1913 – 1914, Henry Ford đã phát minh ra dây chuyền lắp ráp ô tô đầu tiên tại nhà máy ở Highland Park, bang Michigan, Mỹ. Dây chuyền này đã giúp giảm chi phí sản xuất ô tô bằng cách giảm thời gian lắp ráp. Nhờ đó, mẫu xe Model T nổi tiếng của Ford được lắp ráp trong thời gian chỉ 93 phút.
Nhà máy lắp ráp ô tô của Ford trong những năm 1930 (hình sưu tầm)
Sau khi đưa dây chuyền lắp ráp ô tô vào sử dụng, Ford đã trở thành nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Đến năm 1927, đã có tổng cộng 15 triệu chiếc Ford Model T được sản xuất.
1.4. Thời kỳ của những chiếc xe kinh điển #
Giai đoạn từ năm 1925 – 1935 là thời kỳ nở rộ của những chiếc ô tô sang trọng và cỡ lớn. Thậm chí, giai đoạn từ năm 1925 – 1948 còn được nhiều nhà sưu tập xe hơi gọi là “thời kỳ kinh điển” khi chứng kiến sự trỗi dậy của những chiếc ô tô vừa nhanh vừa sang trọng.
Cái tên mở màn cho thời kỳ này chính là Rolls-Royce, được thành lập vào năm 1906. Khi ấy, phần lớn khung gầm của Rolls-Royce đều được thiết kế để dành cho những chiếc limousine hoặc sedan cỡ lớn. Ngoài Rolls-Royce, còn có nhiều thương hiệu khác cũng sản xuất những chiếc xe tương tự như Hispano-Suiza của Tây Ban Nha; Bugatti, Delage, Delahaye, Hotchkiss, Talbot (Darracq), Voisin (Pháp); Duesenberg, Cadillac, Packard, Pierce-Arrow (Mỹ); Horch, Maybach, Mercedes-Benz (Đức); Minerva (Bỉ); và Isotta-Fraschini (Ý).
Duesenberg J là một đại diện tiêu biểu của ngành ô tô trong giai đoạn từ năm 1925 – 1948 (hình sưu tầm)
Những chiếc ô tô ra đời trong thời kỳ này thường có giá cao, dao động từ 7.000 – 40.000 USD. Một đặc trưng nữa của những chiếc xe trong thời kỳ này là tốc độ cao, lên đến 145 – 210 km/h.
1.5. Ô tô châu Âu hậu Thế chiến #
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các nhà sản xuất ô tô quay trở lại hoạt động vào năm 1946. Khi ấy, những chiếc ô tô xa hoa với phong cách thiết kế lấy cảm hứng từ máy bay đã nhường chỗ cho thế hệ xe cỡ nhỏ mới, chịu ảnh hưởng lớn từ Volkswagen Beetle hay “xe của đại chúng” đến từ Đức. Chính Volkswagen Beetle cũng là mẫu xe có công mang ô tô cỡ nhỏ đến với người Mỹ.
Lúc này, sức hấp dẫn của xe Mỹ cũng dần phai nhạt vì chúng vừa to xác vừa tốn chi phí vận hành, nhất là trong thời kỳ tái thiết sau chiến tranh. Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng đẩy mạnh xuất khẩu ô tô để kiếm tiền. Lần đầu tiên kể từ đầu thế kỷ 20, nước Mỹ nhập khẩu ô tô từ châu Âu với số lượng lớn. Ban đầu, nước Mỹ chủ yếu nhập khẩu xe từ Anh. Tuy nhiên, đến thập niên ’50, những chiếc ô tô Volkswagen bắt đầu có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Mỹ, chiếm một nửa lượng xe nhập khẩu vào nước này.
Volkswagen Beetle là điển hình cho xe châu Âu thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai (hình sưu tầm)
Về mặt kỹ thuật, nhiều thí nghiệm tại Mỹ đều bắt nguồn từ những nghiên cứu do ngành ô tô châu Âu khởi xướng như phát triển động cơ chạy bằng tuabin khí, hệ thống phun nhiên liệu, phanh đĩa, động cơ đặt sau và xe dẫn động cầu trước.
1.6. Xe dùng động cơ V8 của Mỹ #
Tại Mỹ, đua xe thể thao bắt đầu từ khá sớm, khoảng năm 1910, và thu hút đông đảo người xem. Sau Thế chiến thứ 2, các cuộc đua ô tô lấy lại hào quang và trở thành bộ môn thể thao có tỷ lệ người xem cao vào giữa thập niên ’50. Năm 1969, ước tính có khoảng 41,3 triệu người Mỹ xem đua ô tô, nhiều hơn cả bóng chày hay bóng đá.
Sự phổ biến của bộ môn đua xe cũng khiến các hãng ô tô bắt tay vào thử nghiệm những thiết kế và kỹ thuật mới dành cho xe đua. Người xem muốn những chiếc xe đua nhanh và mạnh nên động cơ V8 dần trở nên phổ biến tại Mỹ.
Thời kỳ này cũng chứng kiến sự phổ biến của hộp số tự động, hệ thống điều hòa, những chi tiết mạ crôm trên ô tô và xe nhiều màu sắc hơn. Vào năm 1956, phần lớn những chiếc xe tại Mỹ đều có 3 tùy chọn màu sơn khác nhau. 3 năm sau, Cadillac đã đi đầu trong việc trang bị chi tiết vây cá và đèn hậu cao cho khu vực phía sau xe.
1.7. Xe cỡ C của Mỹ #
Kích cỡ của ô tô Mỹ đã tăng nhanh từ cuối thập niên ’40 đến đầu thập niên ’60. Ty nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân Mỹ thích xe cỡ nhỏ hơn. Sự thành công của Volkswagen và những mẫu xe cỡ nhỏ khác, một phần nhờ cuộc suy thoái kinh tế năm 1958, đã khiến các hãng xe Mỹ bắt tay vào sản xuất dòng xe cỡ C. Với chiều dài cơ sở từ 2.690 – 2.790 mm, Ford Falcon, Chrysler Valiant hay Chevrolet Corvair nhỏ hơn phần lớn các mẫu xe Mỹ khác nhưng vẫn lớn hơn mức trung bình của ô tô châu Âu.
Vào giữa thập niên ’60, nhu cầu dành cho xe cỡ C sang trọng và cá nhân hóa hơn là nguồn cơn ra đời của những mẫu ô tô “trung gian” như Ford Mustang. Được phát triển dựa trên đàn anh Falcon, Ford Mustang đã khai sinh ra phân khúc mới là “xe pony”. Đây là tên gọi chung của những mẫu xe coupe hoặc mui trần có thiết kế thể thao, nhỏ gọn và giá phải chăng. Tương tự như vậy, General Motors tạo ra “xe cơ bắp” với kích thước vừa tầm và động cơ cỡ lớn, điển hình như Pontiac GTO.
Ford Mustang là mẫu xe khai sinh phân khúc “xe pony” (hình sưu tầm)
1.8. Ô tô Nhật Bản #
Mặc dù Datsun – thương hiệu con của Nissan – đã sản xuất xe từ năm 1914 nhưng phần lớn ô tô Nhật Bản trước năm 1936 đều do chi nhánh của Ford ở Yokohama lắp ráp. Nhờ thay đổi luật về quyền sở hữu công ty mà Datsun và Toyota mới có thể thống trị ngành ô tô Nhật Bản. Vào năm 1958, Datsun và Toyota bắt đầu xuất khẩu xe sang Mỹ. Mẫu xe Nhật Bản đầu tiên bán số lượng lớn tại Mỹ là Toyota Corona, được giới thiệu vào năm 1967.
Thập niên ‘70 là giai đoạn khá trì trệ của ngành thiết kế ô tô Mỹ vì các hãng chỉ tập trung vào việc đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và khí thải do ảnh hưởng của đạo luật được Quốc hội nước này thông qua từ năm 1966. Sự xuất hiện của những chiếc ô tô Nhật Bản với thiết kế mới mẻ và chất lượng cao đã làm thay đổi thị hiếu của người Mỹ. Honda Accord ra mắt vào năm 1976 với khả năng tiết kiệm nhiên liệu thấp hơn nhiều so với xe Mỹ đã lập tức làm mưa làm gió trên thị trường. Vào năm 1989, Honda Accord trở thành mẫu xe du lịch bán chạy nhất tại Mỹ và duy trì được vị thế này trong nhiều năm sau.
1.9. Sự trỗi dậy của xe minivan và xe thể thao đa dụng (SUV) #
Vào giữa thập niên ’80, xe station wagon bắt đầu trở nên “tuyệt chủng” khi những chiếc minivan dẫn động cầu trước phổ biến trên đường phố. Cái tên khởi xướng cho dòng xe minivan với động cơ nằm ngang, nội thất và khoang hành lý rộng rãi là Dodge Caravan. Ngoài ra, minivan còn phát triển ở thị trường ngoài nước Mỹ dưới dạng xe đa dụng hay MPV.
Đến thập niên ’90, thị hiếu của người tiêu dùng một lần nữa thay đổi. Lần này, người tiêu dùng chuyển sang chuộng những mẫu xe dẫn động 4 bánh có kích thước tầm trung, được coi như hậu duệ của xe Jeep trong Thế chiến thứ 2. Những mẫu xe này được gọi chung là xe thể thao đa dụng hay SUV. Theo thời gian, ngay cả những hãng xe sang như Cadillac và Porsche cũng sản xuất xe SUV. Giá nhiên liệu ổn định vào giữa những năm 1980 càng khiến làn sóng xe SUV lan rộng.
Đến đầu thế kỷ 21, phần lớn các nhà sản xuất ô tô đều chạy theo xu hướng sản xuất những chiếc xe đa dụng nhỏ hơn SUV, dùng khung gầm xe con và được gọi là crossover. Một phần nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là do giá xăng dầu tăng cao khiến những người đam mê SUV cỡ lớn cũng phải nản chí.
1.10. Các loại xe sử dụng nhiên liệu thay thế #
1.10.1. Xe chạy bằng dầu diesel #
Sau Thế chiến thứ hai, động cơ diesel trở nên phổ biến ở châu Âu, đặc biệt với xe tải hạng nhẹ và xe taxi vì khả năng tiết kiệm nhiên liệu ưu việt cùng những ưu đãi thuế khác. Vào thập niên ’70, General Motors đã chuyển đổi động cơ xăng của một số mẫu xe sang dùng dầu diesel. Mercedes-Benz, Volkswagen và Peugeot cũng bắt đầu quảng bá xe máy dầu ở thị trường Mỹ. Đến thập niên ’80, người Mỹ bắt đầu kém mặn mà với xe máy dầu vì những nhược điểm như ồn, khó khởi động vào mùa đông, nhiên liệu khan hiếm và ít xưởng dịch vụ.
Cuối những năm 1990, các hãng xe châu Âu đã phát triển thành công động cơ diesel với công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp. Đến năm 2005, động cơ diesel chiếm một nửa trong tổng lượng xe bán ra ở châu Âu.
1.10.2. Xe chạy bằng điện #
Gaston Planté – nhà vật lý học người Pháp – đã phát minh ra pin lưu trữ trong giai đoạn từ năm 1859 – 1860. Đến năm 1881, pin lưu trữ được Camille Faure cải tiến, giúp giấc mơ ô tô điện được hiện thực hóa. Chiếc ô tô điện đầu tiên trên thế giới có thiết kế 3 bánh và chạy ở thủ đô Paris của Pháp cũng vào năm đó. Sau đó, ô tô điện 3 bánh tiếp tục xuất hiện tại London, Anh vào năm 1882 và Boston, Mỹ vào năm 1888. Chiếc ô tô chạy bằng pin đầu tiên của Mỹ do William Morrison chế tạo vào năm 1890 và có thể đạt vận tốc 23 km/h.
Từ năm 1912, ô tô điện bắt đầu trở nên phổ biến tại Mỹ. Khi đó, có khoảng 20 hãng sản xuất ô tô điện và tổng cộng 33.842 chiếc xe điện được đăng ký tại Mỹ. Tuy nhiên, những ngày hoàng kim của ô tô điện tại Mỹ đã kết thúc vào năm 1920.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu đầu tiên vào năm 1973 – 1974 đã khiến người Mỹ hứng thú trở lại với ô tô điện. Nhiều nhà thí nghiệm và doanh nhân đã bắt tay vào phát triển xe điện chạy bằng pin. Thành công nhất phải kể đến công ty Sebring Vanguard đặt trụ sở tại bang Florida, Mỹ, với mẫu xe CitiCar. Mẫu xe này có 2 chỗ ngồi, dùng thân vỏ bằng nhựa, khung nhôm, ắc quy axit-chì và mô-tơ điện 3,5 mã lực. Trong giai đoạn từ năm 1974 – 1976, đã có khoảng 2.600 chiếc CitiCar được lắp ráp. Nhờ đó, CitiCar trở thành mẫu xe biểu tượng nhất của mảng ô tô điện cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm xuống đã đặt dấu chấm hết cho ô tô điện tại Mỹ vào thời kỳ đó.
CitiCar – mẫu xe biểu tượng nhất của mảng ô tô điện vào thời kỳ cuối thế kỷ 20 (hình sưu tầm)
Đến thập niên ’90, Cơ quan Bảo vệ Môi sinh California (CARB) đã đưa ra 2 đạo luật yêu cầu trong vòng 8 năm, mọi nhà sản xuất ô tô đều phải đảm bảo rằng xe không khí thải chiếm 2% trong tổng lượng xe bán ra của mình. Điều này đã thúc đẩy các hãng xe nghiêm túc bắt tay vào phát triển ô tô điện. Một trong những mẫu xe điện được biết đến nhiều nhất trong thời kỳ đó là EV1 của General Motors.
Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ 21, ô tô điện mới thực sự bùng nổ. Năm 2006, Tesla – một công ty khởi nghiệp nhỏ tại thung lũng Silicon – đã bắt đầu sản xuất mẫu ô tô điện thể thao hạng sang mang tên Roadster, có thể chạy hơn 320 km sau một lần sạc pin. Đến năm 2010, Tesla nhận khoản vay 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ để xây dựng nhà máy ở bang California. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tesla đã gặt hái thành công và mở rộng sang các thị trường ngoài nước Mỹ. Hiện Tesla chính là hãng ô tô điện lớn nhất thế giới.
1.10.3. Xe hybrid chạy bằng cả xăng lẫn điện #
Từ năm 1898, ông Ferdinand Porsche – “cha đẻ” của thương hiệu xe Porsche – đã tạo ra chiếc xe hybrid đầu tiên, có thể chạy bằng cả xăng lẫn điện. Tuy nhiên, xe hybrid chỉ thực sự gây tiếng vang khi Toyota đã trình làng thế hệ đầu tiên của dòng xe Prius ở thị trường Nhật Bản vào năm 1997. Mẫu xe này kết hợp động cơ xăng với mô-tơ điện thông qua hệ thống điều khiển phức tạp và mở ra thời đại xe hybrid.
Mặc dù Honda là hãng đầu tiên giới thiệu xe hybrid ở thị trường Mỹ với mẫu xe 2 chỗ Insight vào năm 1999 nhưng Toyota mới có công phổ biến loại phương tiện “xanh” này. Năm 2000, Toyota Prius bắt đầu được bán tại Mỹ và lập tức gây sốt. 4 năm sau, mẫu xe hybrid đầu tiên của người Mỹ ra đời, đó là Ford Escape Hybrid. Trong khi đó, mẫu xe hybrid hạng sang đầu tiên là Lexus RX 400h được vén màn vào năm 2005.
Toyota Prius thế hệ đầu tiên (hình sưu tầm)
1.10.4. Xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro #
Năm 1966, General Motors phát triển mẫu xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV) đầu tiên trên thế giới, đó là Chevrolet Electrovan. Mẫu xe này có thể chạy được 192 km và đạt vận tốc tối đa 112 km/h. Tuy nhiên, chỉ có đúng 1 chiếc Chevrolet Electrovan được chế tạo và dự án này của General Motors bị xóa sổ vì chi phí cao.
Sang thế kỷ 21, mẫu xe FCEV thương mại đầu tiên trên thế giới mới được bán ra thị trường, đó là Hyundai ix35 FCEV, ra mắt vào năm 2013. Hai năm sau, Toyota giới thiệu Mirai, tiếp đó đến Honda tham gia vào phân khúc này.
Tính đến tháng 12/2020, đã có tổng cộng 31.225 chiếc xe dùng pin nhiên liệu hydro được bán ra trên toàn cầu. Đến năm 2021, chỉ còn 2 mẫu xe FCEV được bán rộng rãi tại một số thị trường, đó là Toyota Mirai và Hyundai Nexo, trong khi Honda Clarity bị khai tử.
1.10.5. Xe chạy bằng ethanol #
Vào năm 1999, chính phủ Brazil yêu cầu đến năm 2003, toàn bộ các mẫu ô tô bán tại nước này đều là xe FlexFuel, có thể chạy bằng xăng chứa 85% ethanol (E85). Động thái này khiến nhiều hãng xe Mỹ, châu Âu và Nhật Bản phải cải tiến xe của mình sao cho phù hợp.
2. Các cường quốc của ngành ô tô thế giới #
Trước đây, khi nói đến các cường quốc của ngành ô tô thế giới, không thể không nhắc tới Mỹ, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, hiện nay, Mỹ đã không còn giữ được vị thế là thị trường ô tô lớn nhất thế giới nữa. Nhật Bản và Đức cũng đã bị một thị trường khác vượt mặt.
2.1. 10 thị trường ô tô lớn nhất thế giới #
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu JATO Dynamics, 10 thị trường ô tô lớn nhất thế giới trong năm 2022 vừa qua bao gồm:
Thị trường | Lượng xe tiêu thụ năm 2022 |
Trung Quốc | 26.864.000 |
Mỹ | 13.828.337 |
Ấn Độ | 4.367.964 |
Nhật Bản | 4.167.590 |
Đức | 2.874.828 |
Brazil | 1.953.557 |
Anh | 1.896.259 |
Pháp | 1.874.805 |
Hàn Quốc | 1.652.305 |
Canada | 1.551.409 |
2.2. Những quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới #
Trong năm 2022, Trung Quốc không chỉ là thị trường tiêu thụ nhiều ô tô nhất thế giới mà còn đứng thứ 2 về sản lượng xe xuất khẩu. Theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, trong năm ngoái, quốc gia tỷ dân này đã xuất khẩu tổng cộng 3,11 triệu xe, tăng 54% so với năm 2021.
Với kết quả này, Trung Quốc đã vượt qua Đức và chỉ đứng sau Nhật Bản về lượng xe xuất khẩu. Trong năm ngoái, Đức đã xuất khẩu tổng cộng 2,61 triệu xe, tăng 10% so với năm 2021. Trong khi đó, lượng xe xuất khẩu từ Nhật Bản trong cả năm ngoái chưa được công bố. Tuy nhiên, chỉ trong 11 tháng của năm 2022, Nhật Bản đã xuất khẩu 3,2 triệu chiếc xe, nhiều hơn cả Trung Quốc và Đức.
Ngoài 3 quốc gia kể trên, Hàn Quốc cũng là thị trường xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, trong năm 2022, nước này đã xuất khẩu tổng cộng 2.311.904 chiếc ô tô sang thị trường nước ngoài, tăng 13,3% so với năm 2021. Trong khi đó, tổng lượng xe sản xuất tại Hàn Quốc trong năm 2022 đạt 3.757.065 xe, tăng 8,5%.
Nguồn tham khảo:
https://english.news.cn
https://www.britannica.com
https://en.wikipedia.org
https://theinventors.org
https://www.motor1.com
https://www.timetoast.com
https://www.titlemax.com